Chống Trần Kính Tuyên và Lý Khắc Dụng Đường_Chiêu_Tông

Người dân đặt hy vọng ở Đường Chiêu Tông do ông được nhìn nhận là thông minh, anh tuấn, quả quyết, và tài giỏi, có tham vọng khôi phục lại quyền lực đã mất của vua Đường trong thời gian Đường Hy Tông trị vì. Không lâu sau khi tức hoàng đế vị, Đường Chiêu Tông lại đổi tên thành Lý Diệp.[2]

Đường Chiêu Tông nhận được biểu của Vương Kiến và Đông Xuyên[chú 3] tiết độ sứ Cố Ngạn Lãng đề xuất bãi chức Tây Xuyên[chú 4] tiết độ sứ Trần Kính Tuyên (thân thích của Điền Lệnh Tư).[2] Đường Chiêu Tông vẫn còn bực tức Điền Lệnh Tư- đang nương nhờ Trần Kính Tuyên,[9] vì thế hạ chiếu triệu Trần Kính Tuyên trở về Trường An và bổ nhiệm tể tướng Vi Chiêu Độ đi thay thế. Khi Trần Kính Tuyên từ chối tuân chỉ, Đường Chiêu Tông liền bổ nhiệm Vi Chiêu Độ là "Hành doanh chiêu thảo sứ", cùng với Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng và Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ[chú 5] Dương Thủ Lượng tiến công Trần Kính Tuyên.[2]

Khi chiến dịch chống lại Trần Kính Tuyên khởi đầu, cũng là lúc một chiến dịch khác kéo dài từ những năm cuối triều đại của Đường Hy Tông chấm dứt. Phụng Quốc[chú 6] tiết độ sứ Tần Tông Quyền đã xưng đế tại Thái châu- thủ phủ của Phụng Quốc- vào năm 885 và khiển binh tiến đánh các quân lân cận của Đường.[9] Năm 888, sức mạnh của Tần Tông Quyền suy yếu sau các cuộc tiến công của Tuyên Vũ[chú 7] tiết độ sứ Chu Toàn Trung, và đến năm 888 thì Tần Tông Quyền bị thuộc hạ là Thân Tùng (申叢) lật đổ.[2] bị giải đến Trường An để chịu xử tử.[10]

Mặc dù Dương Phục Cung có công đưa Đường Chiêu Tông làm hoàng đế, song đến năm 889 thì bắt đầu có xung đột giữa họ, dẫn đến một cuộc tranh luận công khai giữa Dương Phục Cung và Khổng Vĩ khi Khổng Vĩ buộc tội Dương Phục Cung bất kính với hoàng đế. Trương Tuấn chủ trương hoàng đế cần có một đội quân hùng mạnh để phục hồi quyền lực trước các quân phiệt và Thần Sách quân do các hoạn quan chỉ huy, Đường Chiêu Tông do vậy bắt đầu tuyển quân và số lượng binh sĩ đã lên tới 10 vạn vào mùa xuân năm 890.[10]

Khổng Vĩ và Trương Tuấn cho rằng đã đến lúc kiểm nghiệm đội quân này, nhằm thể hiện uy thế của mình trong cuộc đấu tranh chống Dương Phục Cung trong triều đình. Do đó, Trương Tuấn ủng hộ tiến hành một chiến dịch chống lại Hà Đông[chú 8] tiết độ sứ Lý Khắc Dụng, và khi đó Chu Toàn Trung cũng thỉnh cầu triều đình chinh phạt Lý Khắc Dụng. Đường Chiêu Tông chấp thuận, và đến mùa hè năm 890 thì tiến hành chiến dịch, quân của Chu Toàn Trung tiến công Chiêu Nghĩa quân [chú 9] từ phía đông nam; Lý Khuông Uy và Đại Đồng[chú 10] tiết độ sứ Hách Liên Đạc tiến công từ đông bắc; đại quân triều đình do Trương Tuấn thống soái tiến công từ phía tây nam.[10] Tuy nhiên sau đó, quân của Chu Toàn Trung, Lý Khuông Uy và Hách Liên Đạc bị đẩy lui, đại quân triều đình thất bại liên tiếp trước quân Hà Đông của Lý Khắc Dụng và cuối cùng sụp đổ hoàn toàn, Trương Tuấn và Trấn Quốc[chú 11] tiết độ sứ Hàn Kiến chạy thoát chỉ với một đội quân nhỏ. Sau đó Lý Khắc Dụng đe dọa tiến công, Đường Chiêu Tông buộc phải phục chức tước cho Lý Khắc Dụng và đưa Trương Tuấn cùng Khổng Vĩ đi lưu đày.[10]

Trong khi quân triều đình chiến bại trước Lý Khắc Dụng, chiến dịch chống Trần Kính Tuyên lâm vào bế tắc, quân triều đình bao vây Thành Đô song không thể chiếm được chiếm được thành, quốc khố triều đình bị suy kiệt, vì thế Đường Chiêu Tông cũng quyết định chấm dứt chiến dịch Tây Xuyên. Đường Chiêu Tông xá tội cho Trần Kính Tuyên và triệu hồi Vi Chiêu Độ, trong khi lệnh cho Cố Ngạn Lãng và Vương Kiến đem lính về quân do họ cai quản. Tuy nhiên, Vương Kiến không muốn chấp nhận kết cục này, và tiếp tục bao vây Thành Đô. Vào mùa thu năm 891, Trần Kính Tuyên và Điền Lệnh Tư đầu hàng Vương Kiến, Vương Kiến đoạt lấy Tây Xuyên quân.[10]